Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Mắt Kiếng may mắn được tiếp xúc và được tặng sách với chữ ký của Dịch Giả được phong Đạo Sư này. Cũng là một niềm vui lớn trong đời.

50 năm, 1 đạo sư và gần 20 dịch phẩm

Thứ ba , 17 / 8 / 2010, 15: 47 (GMT+7)
- Biết đến tư tưởng và tác phẩm của đạo sư Jiddu Krishnamurti (1895 - 1986) từ 1957 khi đang dạy chế tạo máy tại các trường kỹ thuật ở Huế, thông qua bản tiếng Pháp và lập tức bị cuốn hút, Đào Hữu Nghĩa đã tự học thêm tiếng Anh để trong 50 năm qua miệt mài chuyển ngữ hơn 20 tác phẩm của đạo sư này sang tiếng Việt.


Xưa nay trên thế giới và Việt Nam, việc một dịch giả chọn một tác giả để dịch suốt đời là chuyện không hiếm, có điều Đào Hữu Nghĩa (sinh 1937) xem việc dịch như là cách để hàm dưỡng và tìm hiểu chính bản thân mình.
 
Ẩn danh mấy mươi năm

Sinh ra và trưởng thành tại Sài Gòn, nhưng mấy mươi nay Đào Hữu Nghĩa xuôi về sống lặng lẽ ở Châu Thành, Đồng Tháp. Ấp An Thạnh, xã An Hiệp mà ông ở là một cù lao, cách biệt với thế giới bên ngoài bởi một chuyến đò ngắn, bến đò có tên là Xã Vạt hay Xẻo Vạt, nối với xã Tân Bình.

Đến đây, hỏi nhà ông Tư Nghĩa thì nhiều người biết, nhưng hỏi dịch giả Đào Hữu Nghĩa thì chẳng có mấy ai hay. Chính ông cũng cho biết là suốt mấy chục năm qua, trừ gia đình và bạn bè ở xa, thì ở xứ này chỉ có 1, 2 người bạn mới biết ông dịch sách, hàng xóm láng giềng nói ông dạy học thời trước, già thì về đây sinh sống, làm ruộng, làm vườn. Gia đình ông làm 20 công ruộng và 20 công vườn, tương đương với 4 ha, nên từ ông giáo mà thành ông nông dân cũng dễ dàng.

Thuộc vào lớp những dịch giả đầu tiên dịch tác phẩm của Krishnamurti ra tiếng Việt. Trước 1975, bạn đọc gần xa đã biết đến Đào Hữu Nghĩa qua những tác phẩm minh triết của Krishnamurti như Giáp mặt cuộc đời; Tự do đầu tiên và cuối cùng; Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian… Giai đoạn này ông dịch chung với Nguyễn Minh Tâm, từ bản tiếng Pháp, có tham chiếu tiếng Anh. Thời bấy giờ, những trí thức trẻ miền Nam, ngán ngẩm chiến tranh, mất niềm tin vào tri kiến, thường tìm đến Krishnamurti, nên các dịch phẩm bán rất chạy. Đào Hữu Nghĩa cho biết có cuốn ông được trả 60 ngàn đồng cho một lần in, mà thời đó (khoảng 1968), lương của giáo viên cấp 3 vào khoảng 50 ngàn một tháng, vàng thì khoảng 9 ngàn đồng một lượng.



Dịch giả Đào Hữu Nghĩa
Sau 1975, khi về quê vợ cày ruộng, Đào Hữu Nghĩa vẫn dành một khoảng riêng vào lúc 4h sáng để dịch Krishnamurti. Có cuốn ông dịch 1 chương, 1 bài, hoặc vài đoạn, có cuốn ông dịch hết. Độc giả của ông thời bấy giờ chỉ có một người bạn, giờ đã mất, thi thoảng ghé qua nhà đọc vài trang, rồi đi.

Những trang bản thảo cứ thế dày lên, mà chưa biết đến khi nào sẽ in ra. Năm 2009, cũng qua sự giới thiệu của bạn bè, ông gặp Lê Nguyên Đại - một người làm sách mê tư tưởng và triết học - và sự kiện 10 dịch phẩm in cùng lúc đã xảy ra nhân hội sách 2010 vừa rồi. Trong suốt 50 năm giới thiệu tư tưởng Krishnamurti ở Việt Nam, đây có lẽ là lần xuất bản cùng lúc nhiều đầu sách nhất. 10 tác phẩm đó là: Cuộc thay đổi khẩn thiết; Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống; Chất vấn Krishnamurti; Sống thiền 365 ngày; Chân lý và thực tại; Nhân loại có thể thay đổi không?; Mạng lưới tư tưởng và thiền; Chấm dứt thời gian; Lửa giác ngộ; Thoát khỏi tri kiến thức.   

“Krishnamurti giúp tôi vững tâm để sống”

Hiện nay Đào Hữu Nghĩa đang dịch lại tác phẩm rất quan trọng của Krishnamurti là Tự do đầu tiên và cuối cùng, với suy nghĩ là để xem cái hiểu của mình bây giờ với khi 20 tuổi khác nhau đến bao nhiêu. Hơn nữa, tác phẩm này từng được Phạm Công Thiện và vài người khác dịch, nên việc xem lại bản dịch cũ trước khi in là rất cần thiết, vì độc giả chân chính luôn đọc với sự đối chiếu.

10 tác phẩm của Krishnamurti do Đào Hữu Nghĩa dịch, vừa xuất bản
“Krishnamurti phân biệt rất rõ giữa tri kiến với trí tuệ, với ông, kiến thức và tri thức là thứ tích lũy được qua thời gian, còn trí tuệ thì phi thời gian. Mà vì phi thời gian, nên trí tuệ luôn sáng suốt, tươi mới. Nói thì nghe dễ như vậy, nhưng về hành động tâm linh, thì đa phần con người lại quen sống với việc tích lũy kiến thức tâm lý. Dù khi viết hay nói, Krishnamurti luôn dùng những chữ giản dị nhất, nhưng cái khó lại không nằm ở câu chữ, mà là ở hướng vọng đến trí tuệ thực thụ. Sự hướng vọng này không thể nào diễn đạt được bằng ngôn ngữ, trong khi tác phẩm và dịch phẩm vẫn phải dùng đến ngôn ngữ như là một phương tiện, đó thực sự là khó khăn cho người dịch”, Đào Hữu Nghĩa nói.

Là một trí thức sống qua thời khốc liệt nhất của chiến tranh,  Đào Hữu Nghĩa nói rằng chính cách nhìn và cách hành động của Krishnamurti đã giúp ông vững tâm để sống. “Để đối mặt, rồi vượt qua những mất mát và đau khổ mà nhân loại phải gánh chịu trong thế kỷ 20, nhất là sau hai cuộc đại chiến, tác phẩm Ý nghĩa về sự chết, đau khổ và thời gian đã giúp nhiều người tìm lại được ý nghĩa sống cho chính mình. Đành rằng khi viết cái tên mình xuống bản dịch, thì kiểu gì cũng dính tới danh và lợi, nhưng thực tâm mà nhìn lại thì tôi dịch các tác phẩm của Krishnamurti không phải để trở thành dịch giả. Vì chính Krishnamurti đã dạy cho tôi biết vững tin vào những điều tốt đẹp, dù thực tại có thể nhiều thách thức, nên dịch là để hàm dưỡng và tìm hiểu chính mình”, Đào Hữu Nghĩa tâm sự.

VĂN BẢY
(Theo TTVH )
Về đầu trang Rss  

34 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu có duyên thì em sẽ hạnh ngộ thôi, thời gian ở phía trước mà.

    Trả lờiXóa
  3. Em không nuốt nổi sách này đâu ( bữa trước hỏi rồi đó).

    Trả lờiXóa
  4. Có người tìm gặp ông chỉ để trả lời câu hỏi: Một người cả đời nghiên cứu Krishnamurti thì sẽ sống như thế nào?!

    Trả lờiXóa
  5. Đã được phong Đạo Sư thì dĩ nhiên cuộc sống phải như một nhà hiền triết ẩn dật.

    Trả lờiXóa
  6. Nếu trực tiếp gặp còn tuyệt vời hơn.

    Trả lờiXóa
  7. Mạng ở đây không thấy và không lấy Code được nên mình để nguyên si...

    Trả lờiXóa
  8. E thích mấy người tên Nghĩa!

    Trả lờiXóa
  9. "Tự do đầu tiên và tự do cuối cùng" tui có đọc hồi khoảng năm 1980 tức hồi mới lớn. Đến nay tui đã quên dịch giả là ai. Riêng Krisnamurti thì tui mê từ hồi còn nhỏ... Ông Mắt Kiếng có may mắn gặp mặt và trò chuyện với dịch giả thì hay quá. Tui công nhận là ông đọc nhiều thiệt, ông bây giờ đã lớn tuổi mà còn đọc dữ thần như vậy thì thật là hay đó.

    Trả lờiXóa

  10. Cách đây 3-4 năm tui được cô bạn tặng cho một quyển sách của Krisnamurti. Tui hí hửng mang ra khoe với một ông bạn già, thế là ổng mượn cả năm trời không trả. Hỏi mãi thì ổng nói ổng làm mất cuốn đó rồi. Uổng ghê!

    Trả lờiXóa
  11. chúc mừng anh MK trong niềm vui mới nhé

    Trả lờiXóa
  12. Cái được lớn nhất của P khi chơi blog là được tặng bộ sách của Krshnamurti ( mà P đang tìm từng cuốn) và được gặp dịch giả Đào Hữu Nghĩa.
    Bạn biết không? Sau cảm giác chới với hụt hẫng như người nhận ra mình vừa bị phá sản ( mà bọn mình gọi là vào số mo, hay rơi vào không). Thì sau đó là một sự an lạc, thanh thản đến lạ lùng. Với tâm trạng đó, bạn đón nhận tất cả mọi sự việc thật nhẹ nhàng ( tốt- xấu, vui -buồn, sướng -khổ...và ngay cả với sự đau đớn và cái chết). Đơn giản vì đã hiểu.

    Trả lờiXóa
  13. Làm ruộng, chăm vườn, dịch sách triết lý... Trong thời buổi nhiễu nhương, một vị thế này thật đáng ngưỡng mộ.

    Chia vui với cuộc hội ngộ của bác Kiểng

    Trả lờiXóa
  14. Tiếc quá... MK hổng phải tên Nghĩa.

    Trả lờiXóa
  15. Như được tiếp tế một liều Doping...
    :))

    Trả lờiXóa
  16. Mình được hân hạnh làm quen với Krishnamurti từ thời cấp 3 ( trước 1975 ) nhưng chưa bao giờ được hân hạnh tiếp xúc với dịch giả .Chúc mừng bạn

    Trả lờiXóa
  17. Cám ơn chị, cũng lại là câu ... tùy duyên.

    Trả lờiXóa
  18. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  19. Chủ nhà để mốc meo mạng nhện vầy sao:)

    Trả lờiXóa
  20. Anh Kểnh à, anh có khỏe không ? anh đã thử hỏi cái ông bác sĩ quân đội em mách hay chưa?

    Trả lờiXóa