Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Hồi Tưởng

Hôm qua (30/1/2013) mình đi thăm một người quen bị tai biến đang nằm trong Bệnh Viện 175. Đi theo ngã tư Phú Nhuận đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn (trước đây là ngã ba Chú Ía), theo lẽ vào cổng chánh ở đường Nguyễn Kiệm nhưng bị ngược chiều, phải vào cổng Nguyễn Thái Sơn đi bộ cả cây số mới đến khoa nội thần kinh.

Bước đều trong khuôn viên Bệnh viện 175, bao ký ức thuở xa xưa bỗng nhiên dồn dập kéo về. Cũng rất lâu rồi gần 40 năm trời mình mới có dịp đi lại trong đây kể từ ngày 30/4/75. Bệnh viện này trước đây có tên là Tổng Y Viện Cộng Hòa, là nơi trị bệnh dành riêng cho quân đội VNCH và thân nhân gia đình. Ba mình là lính Quân Cụ đã từng đem mình vào đây trị bệnh đến 3 lần. Lần thứ nhất mình còn rất nhỏ chưa đi học đâu khoảng 4, 5 tuổi, hổng nhớ bệnh gì mà bị thốn bụng dưới đi không được, bác sỹ quân y khám xong cho chích thuốc penicilline 1.000.000 với lời căn dặn không hết đau phải mổ, may mắn là khỏi dùng biện pháp cuối. Lần thứ nhì là khám sức khỏe tổng quát và chụp hình phổi để chuẩn bị học lên đệ thất (lớp 6 bây giờ và lúc đó phải có đầy đủ sức khỏe mới được học tiếp). Lần thứ ba bị sốt thương hàn, ba cũng đem vào đây được khám và điều trị dứt điểm. 

Bệnh viện này diện tích dư thừa rộng lớn nên các phòng khám không phải cất chồng lầu như BV Chợ Rẫy, được xây trệt theo từng dãi từng khu riêng biệt, chừa riêng các khoảng sân rộng dành riêng cho máy bay trực thăng tải thương lên xuống. Bây giờ được xây thêm mấy dãy nhà nên các khoảng sân hẹp lại nhưng những dãy nhà theo từng khoa, khu cũng vậy. Mình hỏi thăm một cô y tá để tìm phòng cho mau, được hướng dẫn bằng giọng rặc Bắc (Trước đây chỉ nghe giọng Nam thôi, giờ thay đổi theo "bên thắng cuộc"). Nhìn chung quanh thấy đa phần là cánh áo xanh bộ đội, trước đây là màu xanh Treilli của cánh lính chiến ngày xưa, ba mình cũng thường xuyên khoác bộ quân phục đó. Là lính quèn, cấp bậc Hạ Sỹ nên sau 30/4 ba không bị đi cãi tạo (hên hay xui? Nếu bị cãi tạo sẽ được đi Mỹ diện HO!)...
Lòng bồi hồi, khi dĩ vãng như những thước phim lần lượt chiếu lại theo trí nhớ cứ hết cái này đến chuyện khác khi chân vẫn bước đều trong viện Quân Y.





 À... đúng rồi, nhớ lại rồi! Khi ấy trước cổng bệnh viện có pho tượng cao lớn trên bục đá hình hai binh sĩ đang dìu nhau (một người khỏe dìu người bị thương) biểu trưng cho tình đồng đội, quyết lòng cứu bạn... Vì nhà mình ở trại gia binh gần trường Quân Cụ sát bên nhà thờ Lê Hữu Từ chợ An Nhơn, nhà nội ngoại lại ở quận 1 và quận 3 nên muốn thăm nội ngoại thì từ nhà đi một lèo đường Nguyễn Oanh đến Ngã Năm Chuồng Chó, theo đường Võ Di Nguy (bây giờ là Nguyễn Kiệm) đến hết Viện Quân Y là tới Ngã Ba Chú Ía, rồi đến Ngã Tư Phú Nhuận, đi thẳng theo đường Hai Bà Trưng qua chợ Phú Nhuận, Cầu Kiệu, chợ Tân Định là đến quận 1. Hàng ngày, hàng tuần đều đi như thế nên thuộc làu, cho đến sau 30/4/75, lần đầu tiên mình chới với bay hết hồn vía khi nhìn thấy pho tượng "Tình đồng đội" dìu nhau trước cổng Quân Y Viện bị chặt đầu chưa đứt còn dính lòng thòng, chỉ là tượng đồng mà mình cho kinh khiếp đến thế :((

Những gia đình ở xung quanh Tổng Y Viện Cộng Hòa kể rằng ngày 30/4 ấn họ hết sức đau thương khi nhìn những thương binh mình đầy máu bị đuổi ra khỏi Viện. Họ lê lếch rên rỉ nhưng người có trách nhiệm chả chút xót thương cho tình đồng loại chỉ biết chúng mày là kẻ thù không cần thương hại, không đập đầu chết là may lắm rồi nên dứt khoát chúng bây phải đi để nhường chỗ cho tụi tao nằm... Cô bác xung quanh chỉ biết đưa mắt ngó, xót thương trong lòng chớ không dám tỏ bày hay đưa tay ra nâng đỡ vì sẽ khó sống đối với người thắng cuộc khi giúp đỡ kẻ thù họ.



Bất chợt lại nhớ thêm khi đang ngồi sau lưng ba chạy gần đến cầu Kiệu, mình đang liu thiu do buồn ngủ bỗng giật mình khi ba đảo tay lái, ba sựng người, mình cũng sựng người... ba xiết ga chạy thật nhanh qua khu vực đó đến chân cầu Kiệu chịu hết nổi phải dừng lại, cùng lúc đó các xe sau cũng tấp vào một lược rồi tất cả nhìn nhau... cười... trời ơi cười đau cả bụng (nếu ai gặp cảnh tượng này mà không cười là mình đi bằng đầu liền)! Các bạn có biết chuyện gì xảy ra mà tất cả xe đang lưu thông trên đường đồng loạt tấp vào để cười? Ra là mấy anh bộ đội đang thực hành "Lao động là vinh quang" tập thể kéo ra đường làm vệ sinh, trên tay người cầm chổi kẻ cầm ki đầy khí thế, trên mặt người nào cũng có miếng khẩu trang ngăn bụi che kín chỉ chừa hai con mắt để trông, mà... cái khẩu trang này là miếng... "Băng vệ sinh Bạch Tuyết" (hic... hồi đó mình hay bị má sai ra tiệp chạp phô mua cái này nên biết rõ). Sau trận cười đã đời, mấy ông bà xúm vào bình luận chắc họ chưa từng biết công dụng của miếng băng vệ sinh này, cứ thấy miếng bông gòn dầy và phẳng có 4 sợ dây dài vừa đủ cột trên mang tai và dưới cổ nên nghĩ là khẩu trang vệ sinh, thêm chữ băng vệ sinh hiệu là Bạch Tuyết thì dúng là thứ họ đang cần cho việc vệ sinh, ha ha.... (bây giờ không xài dây cột vì đã có cánh rồi, he he...)

Ôi! Về nhà là tiếp tục những trận cười nảy lửa khi ba kể, mình thêm mắm thêm muối, mấy nhà hàng xóm cùng đóng góp tiếng cười được coi là của "bên thua cuộc" vậy. Mấy bà láng giềng góp thêm mấy câu chuyện được nghe kể lại như chuyện anh ấy lơ ngơ giữa chợ Sài Gòn thấy người ta treo áo ngực mới tiến đến khen rắng "cái vợt cà phê này tốt quá, bán cho một cái", nước trong bồn cầu lại khen "cái giếng này nước trong mát"...

Có lần mình đang đi xe đạp đến ngã tư Trần Hưng Đạo Nguyễn Thái Học thấy đèn đỏ vội thắng xe, xung quanh ai cũng thế nhưng có chú kia xui bị anh bộ đội đi xe đàng sau ủi tới, anh ta còn chửi thề ủm tỏi "địt mẹ đang chạy tai sao ngừng?"





 Tự dưng mình nghiệm ra bây giờ người ta không ngừng xe khi gặp đèn đỏ biết đâu là bắt nguồn từ đấy!? Dám lắm vì sau đó cuộc sống càng ngày càng khó khăn xăng dầu thành hàng hiếm được cung cấp theo thẻ công tác, xe cộ không còn đi lại tấp nập như xưa, mấy cái đèn xanh đỏ vô tác dụng, người ta cứ bắt chước mấy anh bộ độ vô tư thoải mái vượt qua các ngã đường, dần dần cho đến những năm 90, cuộc sống có đổi mới dân tỉnh nhập cư về thành phố đông lên, các con đường vẫn không phát triển, các ngã ba ngã tư không có đèn đỏ, dù có cũng hư hay hoạt động cầm chừng, việc đi lại tự do một cách tùy tiện, ý thức chấp hành luật giao thông không được tôi luyện, đi bừa đi ẩu đã thành thói quen, hệ lụy kéo dài đến nay chắc chắn là thế!

... ôi mình cứ nhớ cái nọ xọ cái kia... nhớ mấy ông bộ đội tập lái xe GMC mình gọi là xe nhà binh, mấy ông chạy bạt mạng cô hồn, gây ra nhiều tai nạn giao thông nhưng đâu có ai xử! Giờ phút nào ra đường cũng thấy xe nhà binh chạy hổn loạn, mọi người tự động nhường đường, không ai dám phản đối bởi mấy ông là người "Bên thắng cuộc" mà! 





Lại nhớ đi họp thay cho ba, minh rủ mấy đứa bạn cùng xóm đi họp thế ba má tụi nó, bởi tánh còn còn nít chưa biết chi nhiều, cứ đông là vui. Ngày ấy mỗi tháng người ta mời họp nhà nào cũng phải tham dự chớ không phải như bây giờ năn nỉ gãy lưỡi chẳng ai đi. Tụi mình kéo ra chợ An Nhơn vào UB gì gì đó... cứ nghe họ nói mà chả biết chi, chỉ chờ giờ giải lao văn nghệ nghe mấy bài ca Tiếng chày trên sóc bom bo; Cô gái mở đường; Đất nước trọn niềm vui... mấy bài này bây giờ mà tác giả có cho mình tiền chỉ cần nghe hết một đoạn thôi mình cũng xì...



Lại nhớ đoạn đường từ nhà ngoại sang nhà nội phải đi ngang nhà Bảo Sanh Từ Dũ, hôm ấy cũng một phen ngớ người khi nhìn tấm bảng ấy không còn, được thay thế bằng tấm bảng có chữ "Xưỡng Đẻ" tổ bố chình ình trên cổng bảo sanh viện Từ Dũ. Trí óc còn non mà mình còn nghĩ rằng sao họ lạ coi con người ta như những cỗ máy sản xuất, cái chỗ sanh nở cho con người bị trở thành nhà xưỡng!?

Người ta nó ký ức sống lại khi gặp thời điểm thích hợp quả đúng như vậy, mình chỉ đi thăm bệnh, bước vào cái nơi trước đây 40 năm từng bước tự nhiên lòng rạo rực, bồi hồi pha lẫn chút nuối tiếc chút hoài vọng, lại nhớ ba hiên ngang phong độ thời ấy giờ đã nằm sâu dưới ba tấc đất, nhớ thời trẻ ăn chưa no lo chưa tới cứ nghe nói hòa bình rồi là hổng có chiến tranh, con người yêu thương con người, cuộc sống sẽ tiến lên thiên đường xhcn, ôi... bao nhiêu mộng ước tan tành mây khói, nghe nói dóc nói láo riết rồi quen...

3 nhận xét:

  1. Bao nhiêu kỷ niệm hiện về qua bài biết này, Cám ơn anh MK hen.

    Trả lờiXóa
  2. Mách anh gõ tìm ông giáo sư bác sĩ Hoàng Tuấn viện 198 ngoài Hà nội đó chữa bệnh tốt lắm.Hồi này anh khỏe không có bị đau nhiều nữa không? May ra ông này giúp gì anh được...
    Cảm ơn anh nhiều .Chúc mấy anh chị luôn khỏe mạnh bình an!

    Trả lờiXóa
  3. Cho em gửi lời thăm anh Zip, k tìm được đường vô nhà anh ấy

    Trả lờiXóa