Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Tãn Mạn...

Đang khỏe mạnh, ngon miệng ăn bao nhiêu chén cơm? Ba chén khỏe thôi ;)

Đang bệnh, nhạt miệng, mấy chén? Ráng húp chén cháo cho mau lại sức :(

Chết, tử thì táng! Có ăn được chén nào? :'(


Mình từng gặp rất nhiều người khi cha mẹ còn sống chẳng thấy chăm lo, bỏ cù bơ cù bất, đến khi mẹ cha chết lại làm đám tưng bừng mấy ngày mấy đêm đàn ca xướng hát?! Lo đủ thất tuần, rồi trăm ngày, đến khi đám giỗ mời cả làng cả xóm nội ngoại tương tề, rượu thịt ê hề, làm heo làm bò món này món nọ... lại phô trương chữ hiếu bằng cách kéo dàn nhạc hát réo cả ngày tưng bừng khí thế như đang có chuyện vui lớn trong gia đình!?

Ở thành phố đã thực hiện được nếp sống văn minh ít nhiều không làm phiền hàng xóm, ngày giỗ tập trung đủ người thân, chia sẻ tưởng niệm người quá cố, người sống gặp mặt sau bao đa đoan công việc, có dịp hội ngộ thắt chặt tình đoàn kết gia đình, thăm hỏi việc sinh sống, sức khỏe lẫn nhau thật đáng quý và việc làm Giỗ ấy chỉ gói gọn trong vài giờ, không rườm rà, không lê thê, đàn ông gặp nhau cũng vài tiếng đồng hồ chén chú chén anh.

Ra xa hơn, về vùng quê yên ả mà chả yên chút nào! Đến ngày Giỗ dù ở xa cách mấy cũng phải sắp xếp công việc về dự nếu không là mang tiếng bất hiếu, bất kính trưởng thượng. Đám Giỗ ở quê mình, làm kéo dài đến 2 ngày, cúng bữa Tiên - ngày người chết còn sống và bữa Hậu - ngày người sống đã chết (!). Bữa Tiên mục đích quy tụ tất cả con cháu, phân công đứa việc này việc kia, rồi cùng tập họp ăn uống, thanh niên sau khi xong nhiệm vụ (làm heo, bò, gà, vịt...) là bắt đầu đánh chén kéo dài tùy theo sức và đô mỗi người. Bữa Hậu là bữa chánh mời tất cả bà con lối xóm hàng họ bạn bè... thế nên phải dự trù bao nhiêu cỗ bàn bao nhiêu mâm chén, phải đầy đủ không được thiếu sót sẽ làm nhục mặt gia đình, bị chê một tiếng "Tao đến mà hổng có chỗ ngồi, hết đồ ăn" là để tiếng xấu cả năm sau (?!)

Thế nên, để được tiếng Hiếu, nhiều khi phải vay mượn chạy vạy lo sau cho ngày giỗ này tươm tất dù... lúc cha mẹ còn sống nằm lay lắt chờ cơm :(

Hư danh hão huyền "ông đó có hiếu" được ưa chuộng :(

Nhà càng giàu đối xử mẹ cha không ra gì, nhưng chỉ cần cỗ bàn ê hề ngày giỗ đã được tiếng hiếu :(

Không tiền bằng mọi cách vay mượn để được tiếng hiếu, dù con cái thiếu thốn trong ăn học :(

Làm sao thay đổi tập tục hủ lậu này ở làng quê thì sức mình là con Zero to tướng, chỉ biết ở những bữa cơm hàng ngày trong gia đình đầy đủ người thân quây quần, chỉ nhắn gửi ý tình vào 2 thằng con đang chập chững bước vào đời rằng sau này ba mẹ già yếu, các con thấy món ngon vật lạ cứ việc mua về cha mẹ ăn thử, còn tao chết rồi thì khỏi phải cỗ bàn, bởi có ăn được miếng nào đâu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét