Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

Lan Man Tản Mạn Lúc Xuân Sang...

20 Tết, dậy thật sớm khi trời còn mờ tối, dắt xe khỏi nhà thả nhanh đến bến xe lấy mấy món đồ ở quê gửi. Đang chạy vu vù, thoáng nghe tiếng các cháu nhỏ rộ lên "Chú ơi, có cảnh sát giao thông đó"! Nhả bớt ga liếc nhanh vào lề thấy 4,5 cháu nhỏ khoảng lớp 6, lớp 7 đứng lố nhố ra hiệu đàng trước, chạy vào len dành cho 2 bánh vừa lúc kịp thấy mấy ánh mắt CSGTđang chằm chằm, hừm, thật may mắn! Vừa vui vì thoát được tốn tiền nhưng càng vui hơi khi thấy mấy cháu nhỏ ấy đã "giác ngộ" cách kiếm tiền của một bộ phận khoác áo công vụ chỉ chực tiền bá tánh dân đen. Do chạy nhanh nên chẳng quay lại tìm hiểu mấy cháu ấy giờ này đứng đó làm gì, dự rằng chắc đang đón xe buýt?!


23 Tết đón ông Táo, nghe 2 cha con hàng xóm... gây lộn chửi đòi đánh nhau! Do người làm cha trước đây mỗi lần say xỉn về cứ nhè mẹ nó mà động tay chân. Lúc còn nhỏ nó đau lòng nhìn bất lực, giờ lớn rồi cái sợ không còn, thương mẹ nên cha ...tào lao nó cũng tào lao chửi tay đôi, nếu không can gián nó cũng dám nhào vô quánh lộn! Tội này do cha gây ra, chả biết nói sao!

29 Tết, đi với thằng con về quê bằng xe 2 bánh. Đi đường N2 đường tắt về Thốt Nốt ít bụi bặm, trống xe dễ đi nên giao cho nó chạy. Nó nhát tay chạy có 40 km/giờ. Mới nhắc nó xiết ga chút xíu chớ chậm như vầy biết khi nao tới! Vừa xiết ga một đoạn nhanh lên đã thấy đàng trước 4, 5 áo vàng, hic.... một áo vàng ra giữa đường chỉ ngay xe mình, tấp vô chẳng thấy chào hỏi chỉ nghe nói đoạn đường này cho chạy 50 km/giờ, xe anh bị bắn tốc độ do chay nhanh. Để được việc chỉ còn móc ra 200k, nó cười hì hì... anh đi đâu gấp vậy anh, nhớ chạy cẩn thận, bà mẹ nó. Từ đó, thằng con còn nhát tay hơn cứ chạy đúng quy định nên hơn 6 tiếng mới về đến nhà. (lúc về mình chạy có 4 tiếng rưỡi.)

Đến quê, mọi sự đã được chuẩn bị sẵn. Tắm rửa nghỉ ngơi khoảng 4 tiếng, chuyện vãn linh tinh là bắt đầu bước vào chầu nhậu đầu tiên. Mấy đứa em cùng quây quần quá đông nên chẳng còn chỗ để gọi vài đứa bạn thân, phải gọi điện hẹn sáng mai, còn bây giờ phải tiếp em ruột em rể, em của em rể, em rể của em ruột :D. Trong lúc ngà ngà mới khuyên mấy đứa em đừng dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát để bảo vệ sức khỏe. Chúng đồng loạt cướp lời dành phần hiểu biết là đã nghe đài truyền thanh nói rồi, bắt được kẻ lừa đảo định gạt tiền doanh nghiệp! Mình trố mắt la lớn như vậy là chúng dùng đồng tiền mua đứt thông tin địa phương. Vụ này trên mạng Internet phanh phui, không còn gì để dối trá, chỉ biết đây là sự tắc trách của doanh nghiệp khi sản phẩm mình ra không sạch... Tóm lại nếu tự thương mình và thương con cháu thì không nên dùng sản phẩm được sản xuất cẩu thả ấy. Bọn nó có lắng nghe nhưng không biết nghe cho qua chuyện hay thấu đáo thì chưa biết vì cuộc nhậu đã chuyển đề tài vì khi mình nói lũ nó vì đồng tiền dơ bẩn bán rẻ lương tâm đọc tin bài đánh lừa người tiêu dùng...

Đành nói riêng với má và mấy đứa em gái, căn dặn thật kỹ đừng mua uống các loại nước đó, má và mấy em gật đầu nghe lời ngay. Còn cái loa đài truyền thanh thật là đinh tai buốt óc, nó cứ chỉa thẳng vào tai người mà hú. Lúc đón giao thừa, có Skype cho anh bạn từ Mỹ bằng điện thoại mà nghe câu được câu không thật là chán!

30 Tết như đã hẹn, đến nhà người bạn đã dọn sẵn mâm bàn cùng vài thằng chí cốt, chén chú chén anh kéo dài mấy tiếng rồi ngã ngang ngủ tại chỗ đâu đến 16 giờ, một thằng bạn khác điện bắt phải đến nhà. Lại tiếp tục tăng hai. 19 giờ mới về đến nhà gặp ngay mấy thằng em đang nâng cốc, thế là nhào vô tăng 3. Tạm nghỉ để đón giao thừa, lì xì cho má cho các cháu. 0 giờ 30 mấy đứa cháu đến mời lăm răm đón Xuân cho đến 3 giờ sáng lết bánh...


Do sáng đêm đón Giao Thừa nên ngày đầu năm uể oải, ngủ đến 9 giờ thằng em vào khều dậy ra chiến đấu tiếp! Nằm nướng thêm tiếng đồng hồ rồi cũng ra quất tới liên tiếp 2 tăng, nhưng do đã đừ nên tăng 2 uống có 2 lon là cáo biệt về ngủ một lèo đến sáng mồng 2 dậy sớm khỏe khoắn đang lên tinh thần chuẩn bị đón thông gia đứa em đến chúc Tết. Làm xong tăng này, mình cùng con trai từ biệt má để vào bên vợ ở Cờ Đỏ, mấy đứa em vợ cháu vợ đang dọn bàn chờ sẵn...

Nông thôn hiện nay cầu đường đã được làm mới, điện kéo tận nơi, người dân thấy vẽ hào nhoáng bên ngoài, cứ tưởng thời hưng thịnh có biết đâu để được những con đường hiện đại như vầy mặc dù đường không phẳng lắm nhưng so với đường đất ngày xưa và đốt đèn dầu đêm đêm thì hiện nay đã là sự đổi thay khác biệt mà cách đó mấy năm không ai dám nghĩ tới! Để có những thay đổi vầy, nhà nước đã  mượn nợ ODA sau này con cháu góp tiền trả, chuyện này không phải ai cũng biết, cứ tưởng kinh tế nước nhà khấm khá phát triển!

Đoạn đường 20 km chỉ chạy hơn 15 phút đã tới, mấy em vợ đang khí thế quanh chay bia, mình chưa kịp hỏi thăm đã có đứa gắp đá lấy mồi... cũng vội cầm ly uống sau khi vài câu chúc Tết. Đến phần lì xì ... mệt xỉu, hic... thôi ráng, năm có một lần! Ghé 2 nhà đứa cháu khác uống 2 tăng nữa lại lên xe phóng về Thới Lai Bà Đầm nơi nhà thằng em vợ thứ Út để còn nghỉ ngơi và kịp chúc xuân mấy đứa em vợ gần đó (bà con thấy đông không?)

Đường đi ngang qua nông trường Sông Hậu, chợt nhớ ruộng đất của bà con bên vợ mình bị nông trường thời ông Năm Hoằng trưng thu mà chả có cắc đền bù nào! Có nhiều người khi nghe cha con ông được phong anh hùng lao động cứ tưởng do công ông khai phá vùng đất hoang hóa thành trù phú!?
Chẳng ai chịu hiểu rằng trước đây, thời ông nội vợ mình (khoảng năm 30 của thế kỷ trước) đã có đất đai cò bay thẳng cánh, đến thời ba vợ cũng thẳng cánh cò bay, vì lúc ấy chưa có lúa ngắn ngày 3 tháng, nên chưa chang ủi bằng phẳng do lúa mùa kéo dài 6 đến 8 tháng tùy giống và xạ đón trời mưa nên đất chỗ gò chỗ trủng, nước lên đến đâu, lúa mùa cao vượt đến đó, rồi hết mùa mưa là gần chín, kéo dài đến gần Tết là vô vụ thu hoạch. Lúa mùa không trúng như lúa ngắn ngày, nhưng không tốn công sức chăm sóc và phân bón, cứ xạ chờ mưa lên rồi nước ngập bón phù sa sông Cữu Long, thế là mùa vụ cứ phây phây... để được thế thì đất để trồng lúa mùa phải thật nhiều, nên nông dân ngày xưa, người nào cũng trùng trùng đất rộng là thế.

Nông Trường Sông Hậu thành lập  được ưu tiên trung ương phân phối chi phí, máy cày, máy ủi, máy bơm chỉ một thời gian ngắn đã bằng phẳng như tấm ván. Thêm chương trình thủy lợi bắt buộc tất cả thanh niên trong độ tuổi lao động phải cống hiến sức mình mỗi năm 30 ngày công chia làm 3 lần, mỗi lần 10 ngày. Mình đã từng phải vác len (xuổng) và lương thực 10 ngày đi làm không công cho những kinh mương nông trường mục đích lấy nước tưới tiêu. Nhắc lại càng thêm tủi, khi năm nào cũng làm không công mà áo không đủ mặc cơm chẳng đủ ăn...

Suy tư miên man (không có tâm tư nghen) rồi cũng đến nhà em vợ. Nghĩ ngơi tắm táp một chút rồi cùng kéo đến nhà thằng em cột chèo vô tăng thứ 5. Nhà nó đất rộng đã xây lại thành phòng trọ và quán Karaoke, ngồi nhâm nhi chút là có khách, 2 đứa còn nhỏ hơn con mình vào mướn phòng sáng đêm, hê... giờ tụi mày ngon! Chút lại có khách đến Karaoke, trước khi vô hỏi có đào hay không, trả lời không là nó đi thẳng, thằng em tiêc hùi hụi nói qua Tết nhất quyết kiếm đào! Một nỗi buồn man mác xâm chiếm tâm hồn, quê nghèo ngày nay lỡ thành lỡ thị lỡ nông thôn! Một số gái lấy chồng nước ngoài do chí thú làm ăn bởi đất nước người dễ làm ra tiền nếu chịu bỏ công sức lao động, đã gửi tiền về báo hiếu mẹ cha, những căn nhà khang trang mọc dần lên từ đó. Những kẻ khác để bằng người, lo chạy vạy có con gái cũng gã nước ngoài, còn không thì vay ngân hàng thế chấp ruộng đất cất xây nhà mới.  Thanh niên nông thôn chỉ biết hưởng thụ, đã biết đi đêm mướn phòng, ca hát đú đởn! Hỏi thăm mấy đứa em vợ tụi nó nói thanh niên bây giờ không biết làm ruộng như lứa tuổi của mình ngày xưa, nhưng phần ăn chơi thì hơn hẵn tuy nhìn vào thấy nước da đen nhẽm của nhà nông, thêm nữa các dịch vụ trả góp đang phát triển, muốn mua gì cũng có nên tụi nó sắm vô tư! Hỏi về xì ke ma túy cũng có luôn, giang hồ đòi nợ không thiếu... tóm lại nông thôn bây giờ không còn chân chất hiền lành như xưa, xe để hở là mất, giựt dây chuyền xảy ra nhan nhản, thôi rồi còn chi đâu em ơi, có còn lại chăng dư âm thôi... Hỏi thăm thế cha mẹ tụi nó đâu không quản con! Mới nghe kể rằng do bù đầu bù cổ ngoài ruộng để kịp xoay sở trả nợ ngân hàng nhiều thứ, đâu ai theo dõi con mình, cứ tưởng xưa nay mình sao nó vậy nhưng không biết thời cuộc đổi thay và cũng phần nào kế hoạch, gia đình có ít con nên chìu chuộng mới ra nông nổi. Tóm lại, sau tấm áo mới vẫn là cái lưng mốc thích của những nông dân chỉ biết ruộng đồng.

Buồn làm vài ve kiếu nghỉ, để sáng về lại SG đúng mồng 3 Tết.  Đường quốc lộ 2 chiều, mỗi chiều chia làm 3 làn cho xe 4 bánh gồm đò và du lịch, làn cho xe tải rồi đến làn xe 2 bánh. Định cho thằng con chạy nhưng thấy nó có vẽ nhát tay thêm tâm lý sợ CSGT nên cứ đi đúng làn dành riêng 2 bánh, mà như vậy phải sát lề, trong lề người dân hoặc xe cộ hay lủi đại ra, dù chạy có 60 km/giờ cũng khó xử lý nếu tay lái không cứng. (Đến chỗ này mình phát hiện tai nạn giao thông xảy ra cũng có phần tâm lý sợ CSGT của người đi đường!) Mình mới bảo nó dừng xe, để ba chạy. Rồi cứ phang ra giữa đường chạy 70 đến 80 km/giờ, phải chạy làn xe 4 bánh du lịch vì đường láng không dằn xóc. Nhìn kiếng chiếu hậu thấy có xe lớn chạy gần tới là mình tấp vô làn xe tải mà cái làn xe này thật là chán vì có lẽ xe tải chở nặng hư đường phải sửa vá lung tung nên chạy nhanh rất xóc nên giải pháp đúng chỉ là làn dành riêng xe du lịch và xe đò. Chạy đến nhà đúng 4 tiếng rưỡi, đi hồi 7 giờ, đến 11 giờ 30 là xong đó là kể luôn nửa tiếng ghé ăn uống.

Lại tắm rửa nghỉ ngơi vài tiếng là ông bạn hàng xóm hú.. vui xuân, he he.... tiếp tục chén chú chén anh kể lại mọi việc xảy ra trong mấy ngày qua, khi nói đến vụ đường dành riêng xe tải hư vá víu chạy dằn xóc, thằng bạn mới nói không ai bắt đâu vì tất cả đã được mua đường. Như trong Sài Gòn hiện nay, xe tải quá tải vẫn không ai bắt bớ vì hàng tháng đã đóng tiền trước, xe đóng tiền sẽ được dán tùy theo từng vùng, hoặc là bông mai hoặc là hàng chữ số mà chỉ những CSGT mới nhìn ra và không bao giờ thổi còi những xe có dấu hiệu riêng này. Bó tay! Thôi cứ lai rai 4 đứa hết thùng rưỡi xỉn quắc cần... về nhà ngủ lăn qua lăn lại, đầu gối va cạnh bàn nhá lửa. Tưởng hổng sao qua mồng 4 sưng vù... nghỉ nhậu đến nay vì xi cà que... Mồng 6 viết bài này.



2 nhận xét:

  1. Lâu lắm hôm nay mới gặp lại cô nhân, Chúc khỏe, vui và thành công trong mọi lĩnh vực.

    Trả lờiXóa
  2. Du khách có đặt phòng thì cũng liên hệ trực tiếp với địa chỉ, số điện thoại, và email của khách sạn trên trang riêng của khách sạn.
    khách sạn Hà Nội
    khách sạn Hạ Long

    Trả lờiXóa